27 April 2008

Bông Cúc đại ngàn đãi trăng

Đọc thơ Nguyễn Lâm Cúc, ta thường bị ám ảnh có khi chỉ bởi một câu thơ sắc sảo, khúc triết, đau đáu nỗi niềm, hay nói cách khác như một bạn thơ “câu thơ của Cúc như đóng đinh vào tim độc giả”. Thơ chị thường rất ngắn gọn, đau buồn, triết lý như chính cuộc đời của chị….
Lần đầu tôi đọc thơ chị với bài “Không hẹn hò đời hóa hoang vu”, và choáng ngợp với khẩu khí rất nam nhi hảo hán của chị:

Hôm nay buồn lại bày tiệc gọi trăng
Lại mời rượu
Lại bưng sông ra uống
Đặt lên mâm những quả tình nẫu chín
Hái từ vườn ấp ủ trăm năm

Nào,
Cạn ly nhé trăng!
Chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc
Mây bạc đầu còn lang thang như hành khách
Dưới vòm trời nơi nao chẳng cô đơn?

Bạn đã thấy cảnh bông cúc đại ngàn “bày tiệc gọi trăng” tuyệt vời chưa? Cúc cạn ly với vầng trăng, uống cả một dòng sông rượu, ăn cả một mâm quả tình chín nẫu từ vườn trăm năm và… cùng ngắm trời đất bao la với làn mây trắng lang thang đơn côi dưới vòm trời. Cúc buồn, nhưng vẫn khuyên nhủ vầng trăng của mình “chớ có chau mày mà xôn xao vằng vặc”:

Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười.

Nguyễn Lâm Cúc có duyên với trăng, cũng như Hàn thi sĩ ngày xưa vậy. Chị có nhiều bài thơ hay về trăng, mà bài nào cũng buồn. Đây là một bài thơ về trăng mà tôi đã năn nỉ chị làm nhân dịp Trung thu năm ngoái. 

TRĂNG KHÓC
(Tặng Hoài Vân)

Từ dạo ta biết trăng ngà ngọc
Mỗi đêm đều mơ rằm
Đêm qua rằm, vầng trăng đã khóc!
Mây ơi Mây cho ta mượn chéo khăn?

Sau khi chị đưa “Trăng khóc” lên blog, các bạn thơ đã họa lại mấy bài thơ rất thú vị mà tôi cũng muốn đưa vào đây để mọi người nhâm nhi:

Mây đã che, để cho vầng trăng khóc,
Trời lạnh rồi, mây cũng thành mưa thôi,
Tắm mưa đi, ôi trăng rằm ngà ngọc,
Giữa đêm dài, sao trăng khóc trăng ơi!

(Nguyễn Vạn An)

Trăng khóc buồn đâu phải mây mưa
Mà bởi gió phụ tình bội bạc
Ghen ghét ngàn sao đã cùng trăng hoan lạc
Mang mây về để mưa gió cũng về theo.

(Đoàn Văn Nghiêu)

Đọc thơ Cúc luôn thấy một cảm giác cô đơn và bất hạnh. “Mồ côi” là một bài thơ như thế, bài thơ chân thực và buồn đau đến nao lòng:

Vinh hạnh được là người
Tôi mang nỗi nhục không thành người!
Lột bỏ mọi vỏ bọc
Trầy trụa một hồn tôi!
Tôi ôm hồn ngồi khóc
Chợt hiểu hồn mồ côi! 

Và đây là lời trần tình của chị về bài “Mồ côi” trên blog:

“Về bài Mồ côi, Cúc biết nó khó hiểu
Vinh hạnh được là người
Tôi mang nỗi nhục không thành người!

Phải, được làm một con người là điều vinh hạnh. Lại là một con người may mắn có sức khoẻ, không khiếm khuyết càng may mắn! Và, bạn biết trong mỗi con người của chúng ta “ đây là tự chúng ta nhìn, mà tự chúng ta nhìn thì có gì che đậy tâm hồn chúng ta được không?” Chúng ta có thể mang muôn vẻ mặt đi trong cuộc đời, nhưng khi đối diên với chính ta thì ...một lần dũng cảm thừa nhận: “Tôi, phần ngợm nhiều hơn người!”

Bỏ mọi lớp vỏ bọc
Trầy trụa một hồn tôi!

Bạn ơi, nỗi cô đơn ai cũng có. Đôi khi cô đơn đến đặc quánh như thể thế gian rộng vô cùng và chỉ có mỗi mình ta. Và chung quanh ta chỉ hiện diện những vật chất hữu hình và vô hình. Có bọc được tâm hồn ta bằng vàng, bằng vải, bằng danh vọng, địa vị được không? Tôi tin là không, nhưng ta vẫn bọc nó bằng những thứ ấy. Trong khi điều mà tâm hồn cần là yêu thương, là một nửa của đời người. Và....tôi đã gửi vào bài thơ nỗi niềm ấy đó
Dòng Sông ơi! Một nửa ơi, nếu bạn đã nhìn thấy tôi, đã nhận ra tôi xin bạn hãy ở lại cùng tôi, xin bạn hãy lên tiếng với tôi, vì tôi biết rằng tôi đến cuộc đời này chỉ là để tìm bạn!” 

Đây là một bài thơ cô đơn nữa của chị tặng cho bạn gái Bích Nga. Nỗi cô đơn của chị đặc quánh đến mức mà chỉ còn duy nhất cái bóng có thể thấu hiểu và thương xót cho chị:


BÓNG TÔI
(Rất nhiều yêu mến tặng Bích Nga)

Tôi về, trời muộn, đường xa
Tôi về… như những ngày qua đi, về
Tiếng chân rớt xuống vỉa hè
Cô đơn chạm với bộn bề loanh quanh
Bóng tôi… lẻ mãi không đành
Thương tôi, bóng ngả xuống thành hai, ba.

Nguyễn Lâm Cúc có những bài thơ tình khá nổi tiếng như “Đêm”, như “Ơn”, như “Một ngày trần gian không cả gió mây bay”… Bài Đêm và Ơn chắc khá nhiều người từng đọc, từng nhớ, còn tôi thích bài “Một ngày trần gian không cả gió mây bay”, thích cái tình yêu “đến chết chưa hề mong tỉnh lại” của chị:

Em yêu anh
ước chi biết tại sao
yêu đến chết
chưa hề mong tỉnh lại
nhưng trời không cho được vậy
vào một ngày trần gian không cả gió mây bay.

Nước lã em từng say
nghiêng hết đêm về phía không có ai
cố hết sức cũng không thể giữ

Anh sanh ra tình em
anh cũng là người bức tử
ôi trái tim khốn khổ
chết rồi xin nguôi đau!

Cơn bão không biết đã cuốn lên từ đâu?
không nghe gió
không nghe mưa
mà trời ơi tan tác!

Thôi cũng đừng cúi nhặt
chờ luân hồi cây cỏ tái sinh.

Cúc nổi tiếng là một người làm thơ mà không thuộc thơ mình. Nghe nói có lần nghe ai đó đọc thơ Cúc, nhà thơ đãng trí này khen hay mà hoàn toàn không biết đó chính là thơ mình. Thỉnh thoảng chép lại những bài thơ cũ của mình vào blog, Cúc thường chép sai so với nguyên bản, hoặc cũng có thể Cúc muốn sáng tạo thêm, sửa đổi đi cho hợp với nỗi lòng chị trong thời điểm hiện tại chăng? Đây là một ví dụ về sự khác nhau của bài thơ tâm đắc nhất của chị trong hai thời điểm khác nhau:

Đãi Trăng 
(bản gốc năm 2006)

Hôm nay nhàn ta mở tiệc mời trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống
Bày lên mâm là dạt dào cảm hứng
Bạn tri âm, bạn có vui cùng?
Này trăng, trăng chớ ngại ngần
Cạn ly nhé. Sông có vơi cũng mặc.
Say thì say nhưng đừng khóc!
Trần gian…cứ mặc kệ trần gian.

Đãi Trăng 
(bản chỉnh sửa năm 2008)

Hôm nay nhàn, ta mở tiệc mời Trăng
Để thỏa thích bưng dòng sông ra uống!
Rót lặng thinh vào vô biên độ lượng
Đêm giang tay trên thập tự mênh mông.
Này Trăng
Ta cũng có một tấm lòng...
Để tha thứ và để đau nông nổi
Trăng có gì riêng mà trầm tư chẳng nói?
Cứ xa xăm, cứ lẳng lặng bên trời.
Cạn ly nhé,
Sông có vơi cũng mặc
Say thì say, nhưng đừng khóc
Dẫu thế nao vẫn cứ ngả nghiêng cười.

Tôi biết một số người không thích thơ Cúc, gai góc, triết lý và đôi khi khó hiểu. Có lần tôi nói với một bạn thơ trên blog rằng, với một người ngoại đạo như tôi, có thể cảm nhận thơ theo hai loại chính, một loại trau chuốt, mượt mà, ngọt ngào, ví như ly nước ngọt, bạn có thể uống dễ dàng và thích thú, còn loại thơ thứ hai đầy cá tính, sâu sắc, khúc triết, ví như ly rượu chát, phải nhâm nhi từ từ mới thấy hết vị ngon của nó. 

Dĩ nhiên thơ Cúc cũng có những bài, những câu chưa hay, còn đem theo cả ngôn ngữ đời thường vào thơ. Tuy nhiên với góc độ cảm nhận “nhâm nhi rượu chat” của người ngoại đạo, tôi thích đọc thơ Cúc, nhất là trong những phút buồn và cô đơn của cuộc đời, chợt thấy thơ Cúc như nói giúp nỗi lòng mình.

Bạn có lúc nào buồn và cô đơn trong cuộc đời không? Hãy thử đọc thơ Nguyễn Lâm Cúc trong Trang thơ Nguyễn Lâm Cúc mà tôi trang trí và thiết kế như một món quà nhỏ tặng Cúc và bạn bè của chị nơi đây.



No comments:

Post a Comment