19 May 2022

Đời sinh viên


Năm 1976 sau khi tốt nghiệp phổ thông và thi Đại học đạt điểm cao, tôi được chọn đi học nước ngoài. Trước khi đi, tôi có 1 năm học tiếng Tiệp tại khoa Lưu học sinh Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Đoàn lưu học sinh năm đó có khoảng 500 bạn, trong đó chủ yếu đi Nga khoảng 300, đoàn đi Tiệp có 70, chia làm 4 lớp TK để học tiếng.




Một năm học tiếng như lưu học sinh, được trải nghiệm đời sinh viên Việt nghèo đói với khá nhiều kỷ niệm vui buồn. Ký túc xá sinh viên mỗi phòng có khoảng 10 cái giường 2 tầng, vị chi là có khoảng 20 sinh viên chung một phòng. Phòng trống hơ trống hoác, cửa ra vào và cửa sổ luôn mở. Gió lộng, gợi nhớ đến bài thơ của cụ Tố. Nhớ nhất vụ đói ăn, đói vàng cả mắt, sáng đến lớp mà chỉ nghĩ đến bữa ăn trưa xem liệu có gì ngon. Chiều nào cũng được phát nửa cái bánh mì để ăn sáng vào hôm sau, nhưng buổi tối ăn luôn vì đói, và thế là sáng hôm sau nhịn đói đến lớp. Bữa trưa và tối ăn ở nhà ăn sinh viên. Thường chỉ có cơm và canh rau “toàn quốc”, thêm vài miếng đậu phụ, hay vài miếng thịt mỡ mỏng tang gió thổi bay. Thiếu chất nên ăn bao nhiêu cơm cũng vẫn đói. Mấy bạn nhà giàu thường đem theo ruốc, muối vừng để ăn thêm, còn mấy bạn nhà xa lại còn nghèo thì có sao ăn vậy. Chủ nhật nghỉ học tôi hay về nhà bố ở Bạch Mai, thăm nhà là phụ còn lăm le ăn cơm nhà là chính. Bố tôi hồi đó cũng là công chức nghèo. Có một câu chuyện vui bố kể mà tôi nhớ mãi. Hồi đó có đôi dép nhựa Tiền phong trắng là cả một sự ăn chơi. Đến khi dép hỏng bán đồng nát cũng vẫn được một món tiền kha khá. Bố kể chủ nhật kia có ông bạn nhà văn đến chơi mà bố hết sạch tiền đi chợ. Thế là bố đem bán đôi dép Tiền phong được 5 hào, mua lạng thịt mớ rau về nấu cơm đãi khách. Rồi lúc ăn cơm ông cười thầm, ông với ông bạn mỗi người được ăn một cái dép.
Ngoài ký ức đói ăn, thì ký ức kinh hoàng nhất là đi vệ sinh ở khu ký túc xá. Tất nhiên nhà 5 tầng không có nhà vệ sinh là sản phẩm có thật thời bao cấp bấy giờ. Nhà vệ sinh được xây dựng khá xa khu nhà ở, gần cánh đồng, kiểu hố xí 2 ngăn, rất bẩn và bốc mùi kinh khủng. Sáng sớm, các bạn kéo nhau xếp hàng ra đồng đi vệ sinh. Vào đó là nhắm mắt bịt mũi nhanh nhanh cho xong việc. Sau này, nhiều khi trong giấc mơ, ký ức nhà vệ sinh khủng khiếp ấy vẫn ám ảnh tôi 1 cách hãi hùng.

Ngày trước khi lên đường, chúng tôi được phát hành trang là chiếc vali với một bộ váy áo comple, hai áo sơ-mi, một áo len, một đôi giầy, một đôi tất, 1 bộ áo dài. Chúng tôi gọi đùa đó là “vali bác Bửu, quần áo bác Bửu”. Lúc đó, ông Tạ Quang Bửu là Bộ trưởng Bộ Đại học.
Ngày lên đường, 500 sinh viên Việt Nam đi cùng một chuyến tàu qua Liên Xô và Đông Âu. Trong số đó, chúng tôi có 70 người đi Tiệp. Đây cũng là chuyến tàu liên vận cuối cùng từ Việt nam qua châu Âu. Đến năm sau đó, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc xấu đi, đường tàu liên vận cũng bị dừng vận hành.
Sân ga Hàng cỏ chiều đó đông đúc náo nhiệt vì có cả 500 gia đình đến tiễn con em đi du học. Mấy đứa con gái khóc mùi mẫn, nước mắt nước mũi tèm lem khi chia tay gia đình. Khi tàu lăn bánh cũng là khi một rừng cánh tay vươn ra ngoài cửa sổ nắm tay gia đình lần cuối, rồi vẫy từ biệt.
Tuy nhiên, buồn cười nhất là chỉ một lúc sau khi tàu chạy, mấy đứa con gái chúng tôi lau nước mắt xong là giở đồ ăn (xôi, bánh chưng…) ra chén, đói quá mà.
Đoàn tàu dừng ở ga Đồng Đăng làm thủ tục xuất cảnh, rồi chạy thêm một đoạn khoảng 20km đến ga Bằng Tường (Trung Quốc) để chuyển tàu liên vận quốc tế. Tàu liên vận quốc tế Trung quốc rất sạch sẽ, tiện nghi với cabin bốn giường, nệm trắng muốt, có cả trà tàu, phích nước sôi trên bàn. Các bác phục vụ người Hoa nói trọ trẹ tiếng Việt, thái độ phục vụ rất tốt. Đồ ăn Trung quốc rất ngon, nhất là khi so sánh với đồ ăn trong nhà ăn sinh viên trước đó.
Đến ga quốc tế Mãn Châu Lý ở biên giới Trung Quốc và Liên Xô, chúng tôi lại chuyển sang tàu Liên Xô. Tàu Liên Xô không sang trọng như tàu Trung Quốc vì không phải tàu liên vận mà chỉ là tàu khách bình thường, ăn uống đồ tây cũng kém ngon hơn đồ tàu. Tuy nhiên phong cảnh nước Nga rất đẹp, nhất là đoạn đường qua hồ Baikal xanh thẳm.

Sau một tuần lắc lư, tàu đến Mátxcova thủ đô của Liên Xô. Tại đây, những bạn học ở Liên Xô được đón ngay về các trường, còn những lưu học sinh Đông Âu được đưa về khách sạn để chờ tàu khác đi tiếp. Thế là chúng tôi có một chuyến du lịch Mát. Trải nghiệm đi tàu điện ngầm hoành tráng với mỗi nhà ga tàu điện ngầm giống như một cung điện lộng lẫy, tường ốp đá cẩm thạch, trên trần nhà là những bức tranh rất đẹp. Mấy đứa con gái diện cả quần lụa đen đi chơi hồng trường, vào thăm lăng Lê Nin. Mấy đứa con trai thì hãnh diện mặc comple của bác Bửu, cả đoàn comple đen tuyền nhìn rất tếu.
Sau khi chờ đợi ở Mát mấy ngày, đoàn lưu học sinh đi Tiệp chúng tôi lên tàu sang Bratislava và Praha. Đến ga Bratislava, chia tay các bạn học ở đây xuống tàu, số còn lại đi tiếp đến Praha. Đoàn có 8 nữ thì 6 xuống ga Bratislava, chỉ còn 2 đi tiếp Praha. Sau khi xuống tàu ở Praha, chúng tôi được đưa về Ceske Budejovice, một thành phố nhỏ phía nam để học thêm 1 năm tiếng Tiệp.

Năm học ở Ceske Budejovice thực ra rất nhẹ nhàng, vì chúng tôi đã học tiếng 1 năm ở Thanh Xuân. Mấy thầy cô giáo rất tốt bụng, tử tế, hay dẫn chúng tôi đi chơi dã ngoại, nhất là vào cuối tuần. Lớp tôi có cô giáo Fukova phụ trách, cô rất đẹp, phúc hậu, hiền dịu. Cả đoàn chỉ có 2 đứa con gái, nên nhiều lúc thấy buồn, và nhất là nhớ nhà. Thời đó chưa có internet, chưa có email. Thư từ toàn phải trộng cậy vào ông bưu tá. Buồn nhất là mỗi khi bưu điện đến, lục tìm cả mớ thư mà không có thư của mình. Hồi đó chỉ có bố tôi là chịu khó viết thư cho con gái. Thư nào cũng giống thư nào, luôn luôn tình hình gia đình mình vẫn ổn, con nhớ tập trung học hành cho tốt. Vậy mà vẫn suốt ngày mong chờ thư nhà. Thi thoảng anh trai viết thư, anh em ngày đó thân nhau phết, anh còn tâm sự cả chuyện học hành, yêu đương của anh.

Sau 1 năm học tiếng Tiệp, đoàn lưu học sinh chia tay nhau để về các trường đại học khác nhau, ở các thành phố khác nhau thuộc nước Tiệp. Trường hóa công nghệ Praha có 16 bạn, trong đó có 2 nữ. Khoa Palive & Voda có 4 bạn đều học hóa dầu. Theo qui định quản lý của Đại sứ quán, sinh viên Việt nam thuộc trường Hóa lập 1 đơn vị và bầu ra Đơn vị trưởng quản lý. Trường Hóa trước đó phần lớn là sinh viên nữ, đến năm chúng tôi mới có đông đảo các bạn nam, tạo cân bằng nam nữ hơn trong đơn vị, nên các chị năm trên rất hài lòng. Các chị năm trên rất nhiệt tình giúp đỡ mấy bạn lính mới tò te về trường. Ký túc xá hồi đó phân biệt nam nữ. Ký túc xá nữ riêng, nam riêng. Nội qui ký túc xá khá là nghiêm, ví dụ tối phải về trước 9h, khách nam đến phải trình báo quản lý ký túc xá. Công trình phụ như nhà tắm, nhà bếp chung cho cả tầng. Sinh viên nước ngoài bao gồm Việt Nam, Mông cổ, Cu ba và 1 số nước Ả rập học chung ở chung với sinh viên Tiệp. Nấu ăn chung ở bếp là cả một trời ký ức tếu táo. Dân Việt thì mùi nước mắm, xì dầu… ngào ngạt. Dân Mông cổ thì mùi thịt cừu nồng nặc. Dân Ả Rập thì mùi cà ri nhức nhối. Ra bếp nói xấu nhau về đồ ăn thì cứ gọi bọn Cổ, bọn Ả khi nói tiếng Việt, để họ không hiểu mình nói gì.
Đến năm thứ 4 thì chúng tôi chuyển đến ký túc xá mới ở nam thành phố, hiện đại và tiện nghị hơn nhiều. Ký túc xá mới thiết kế kiểu căn hộ biệt lập, mỗi căn hộ có 2 phòng x 2 người, chung một công trình phụ, nhà tắm, nhà bếp. Ký túc xá mới thì không phân biệt nam nữ, được ở chung 1 tòa nhà. Tuy nhiên ký túc xá mới rất xa trường, phải đi metro chuyển làn mới đến trường, không như ký túc xá cũ có thể đi bộ đến trường. Sinh viên có tiền học phí 800 cuaron/tháng, tiết kiệm thì đủ ăn tiêu và mua sắm cá nhân. Mấy bạn gái thì còn tiết kiệm được, chứ mấy bạn trai thì cứ cuối tháng lại nhịn đói, mùa hè ăn trái cây trừ bữa. Praha có vườn cây trái còn được gọi là “động tiên” trên đồi Strahov, ở đó hái trái cây ăn thoải mái, chỉ không được đem về, nhưng tụi sinh viên Việt thì vẫn túi lớn túi nhỏ xách về nhét gầm giường ăn dần. Sinh viên được ưu tiên mua vé tháng giảm giá hơn 50% để đi các phương tiên giao thông công cộng như metro, xe buýt… Sinh viên có nhà ăn với giá vé ăn khá rẻ. Thời đó vào nhà ăn có món Rizek (thịt thăn tẩm bột rán) với khoai tây chiên là món ngon nhất. Ngoài ra còn có món đặc sản Tiệp thịt lợn hầm ăn với knedliky (bánh mì hấp) và dưa cải muối, ăn quen rồi thì thấy khá ngon. Hai món tủ này mình có nếm lại ở quán ăn khi trở lại Tiệp vào năm 2016.
Đến năm thứ 3 thì các chị năm trên bày cho cách kiếm thêm tiền tiêu vặt, đó là làm cộng tác viên đề tài nghiên cứu khoa học trong trường với phụ cấp 300 cuaron/tháng. Vậy là chi tiêu thoải mái hơn một chút, còn dành dụm được mua quà cáp cho gia đình. Năm đó là năm cuối cùng mà sinh viên rất ngoan hiền, không biết buôn bán gì mà chỉ lo tiết kiệm. Đến lúc về nước, ngoài hành trang cá nhân, tài sản duy nhất đáng kể của mình chỉ là 1 cái xe đạp Eska.
Một ký ức rất đáng nhớ của mình là lang thang thư viện quốc gia, thư viện thành phố tìm sách văn học để đọc. Thời đó trong nước sách văn học dịch rất hiếm, chủ yếu chỉ có văn học nga. Còn ở thư viện nước ngoài thì có đầy đủ kho tàng văn học thế giới. Mình đọc Jane Ere, Đồi gió hú, Những người khốn khổ…lần đầu tiên ở Praha bằng tiếng Tiệp. Mắt cận thị lên độ 2-3 cũng chỉ vì đọc sách quá nhiều.
Một ký ức đáng nhớ khác là xem phim chiếu rạp. Khu vực quảng trường Vaclav, trung tâm Praha có rất nhiều rạp chiếu phim. Mấy ngày nghỉ cuối tuần là rủ nhau đi xem phim, có ngày xem 2-3 phim ở các rạp khác nhau. Những tuyệt phẩm phim ảnh Holywood như Cramer vs Cramer, Funny Girl, The Godfather… xem lần đầu tiên ở Praha. Bạn bè bên Nga qua Tiệp đều đòi dẫn đi xem phim, vì thời đó ở Nga, phim ảnh Mỹ còn bị kiểm duyệt, hạn chế ít khi có phim hay.
Về học hành thì năm đầu còn chút khó khăn do chưa quen tiếng Tiệp, mấy năm sau thì khỏe. Giảng đường rộng mênh mông, năm đầu còn đông đúc, mấy năm sau thì vắng hoe. Giáo dục đại học bên đó theo kiểu "đầu voi đuôi chuột", tuyển đầu vào rất dễ, nhưng trong quá trình học đuổi dần những sinh viên lười học, học kém, để khi ra trường chỉ còn lại khoảng 1/3 số lượng đầu vào.




Pic: Lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học



No comments:

Post a Comment