15 June 2015

Giai nhân tự cổ như danh tướng






Tứ đại mỹ nhân Trung Hoa: Tây Thi, Chiêu Quân, Dương Qúy Phi, Điêu Thuyền


Nhân tại giang hồ kỉ đa sầu
Hưng suy thành bại tuế tuế thu
Tiếu trảm thiên nhân đồ nhất khoái
Bi tòng vạn cốt mịch phong hầu
Thanh san vị cải tân tú loạn
Hồi đầu tức khán tịch dương hồng
Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.


Thời Chiến quốc, năm thứ mười sáu đời Huệ Văn Vương nước Triệu (283TCN), Liêm Pha làm tướng nước Triệu, đánh Tề, phá tan quân Tề, Từ đó nổi tiếng dũng khí ở các nước chư hầu, đánh đâu thắng đó, nước Tần không dám xâm phạm Triệu. Khi về già Liêm Pha không còn được tin dùng, nước Triệu thường bị nguy khốn, đất đai dần mất vào quân Tần. Vua Triệu lại nghĩ đến việc dùng Liêm Pha, chỉ hiềm một nỗi không tin vào sức khỏe của ông, mới sai sứ giả đến xem ông ra sao. Liêm Pha vì vậy ăn một đấu gạo, mười cân thịt trong một bữa cơm, mặc áo giáp lên ngựa để tỏ rằng mình còn dùng được.

Trở lại bài thơ ở trên, được cho là được sáng tác vào cuối thời Khang Hy (1661-1722), dù còn một vài chữ chưa hiểu, tạm dịch nó là như thế này:

Người trong giang hồ lòng mang nhiều nỗi sầu
ngàn vạn năm hưng, suy, thành, bại ..
cười theo ngàn cái đầu rơi dưới một lưỡi đao
khóc theo vạn nắm xương khô chỉ vì giấc mộng phong hầu
núi xanh thành đám loạn cỏ
quay đầu là thấy mặt trời lặn
từ ngày xưa, người đẹp đã như là danh tướng
không cho ai thấy mái đầu đã pha sương
Giai nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu.

Một cao thủ giang hồ Việt hóa nó như thế này:

Tướng tài, người đẹp xưa nay
Mấy ai lừng lẫy đến ngày tàn phai

chữ 許 - Hứa trong bài thơ gốc chữ Hán có nghĩa là: nghe theo, cho, chịu, bằng lòng
còn mấy chữ còn lại thì quá dễ rồi, bất là không, kiến là thấy (kiến nghĩa bất vi vô dũng dã), bạch là trắng, đầu là...cái trôốc chơ cái chi nữa. Kết hợp với bài viết về tướng quân Liêm Pha ở trên (theo Sử ký - Tư Mã Thiên) thì hiểu rõ hơn rồi. Người dũng tướng, với hào khí một thời, khó mà chấp nhận một ngày mình già nua, yếu ớt trong mắt người khác. Giai nhân cũng vậy, khi về già thì còn đâu ánh mắt long lanh, còn đâu đôi má căng hồng và đôi môi mọng chín, nên rất sợ cái cảnh còn duyên kẻ đón người đưa, hết duyên đi sớm về trưa mặc lòng. Tóm lại, cả danh tướng hay giai nhân đều sợ già và vì vậy đều không muốn cho người khác thấy mình già.

(ST trên net sau khi đọc câu thơ xưa)


Viếng hồn trinh nữ
Nguyễn Bính


Chiều về chầm chậm trong hiu quạnh,
Tơ liễu theo nhau chảy xuống hồ.
Tôi thấy quanh tôi và tất cả,
Kinh thành Hà Nội chít khăn sô.

Nước mắt chạy quanh, tình thắt lại,
Giờ đây tôi khóc một người về!
Giờ đây tôi thấy hồn cay đắng,
Như có ai mời chén biệt ly!

Sáng nay vô số lá vàng rơi,
Người gái trinh kia đã chết rồi!
Có một chiếc xe màu trắng đục,
Hai con ngựa trắng xếp hàng đôi.

Đem đi một chiếc quan tài trắng,
Và những vòng hoa trắng lạnh người.
Theo bước, những người khăn áo trắng,
Khóc hồn trinh trắng mãi không thôi.

Để đưa nàng đến nghĩa trang này,
Nàng đến đây rồi ở lại đây.
Ờ nhỉ, hôm nay là mấy nhỉ?
Suốt đời tôi nhớ mãi hôm nay.

Sáng nay sau một cơn mưa lớn,
Hà Nội bừng lên những nắng vàng.
Có những cô nàng trinh trắng lắm,
Buồn rầu theo vết bánh xe tang.

Từ nay xa cách mãi mà thôi!
Tìm thấy làm sao được bóng người.
Vừa mới hôm nào còn thẹn thẹn.
Tay cầm sáp đỏ đặt lên môi.

Chiếc áo màu xanh tựa nước hồ,
Nàng vừa may với gió đầu thu.
Gió thu còn lại bao nhiêu gió,
Chiếc áo giờ đây bạc dưới mồ.


*

Chắc hẳn những đêm như đêm qua,
Nàng còn xây mộng giữa chăn hoa.
- Chăn hoa ướp một trời xuân sắc -
Đến tận tàn canh rộn tiếng gà.

Chắc hẳn những đêm như đêm kia,
Nửa đêm lành lạnh gió thu về.
Nàng còn thao thức ôm cho chặt,
Chiếc gối bông mềm giữa giấc mê...

Nhưng sáng hôm nay nàng lặng im,
Máu đào ngừng lại ở nơi tim.
Mẹ già xé vội khăn tang trắng,
Quấn vội lên đầu mấy đứa em.

Người mẹ già kia tuổi đã nhiều,
Đã từng đau khổ biết bao nhiêu.
Mà nay lại khóc thêm lần nữa,
Nước mắt còn đâu buổi xế chiều.

Những đứa em kia chưa khóc ai,
Mà nay đã khóc một người rồi.
Mà nay trên những môi non ấy,
Chả được bao giờ gọi: "Chị ơi!"

*

Nàng đã qua đời để tối nay,
Có chàng đi hứng gió heo may,
Bên hồ để mặc mưa rơi ướt,
Đếm mãi bâng quơ những dấu giày.

Người ấy hình như có biết nàng,
Có lần toan tính chuyện sang ngang.
Nhưng hồn nàng tựa con thuyền bé,
Vội cắm nghìn thu ở suối vàng.

Có gì vừa mất ở đâu đây?
Lòng thấy mềm như rượu quá say.
Hốt hoảng chàng tìm trong bóng tối:
Bàn tay lại nắm phải bàn tay.

*

Chỉ một vài hôm nữa, thế rồi,
(Người ta thương nhớ có ngần thôi)
Người ta nhắc đến tên nàng để
Kể chuyện nàng như kể chuyện vui.

Tôi với nàng đây không biết nhau,
Mà tôi thương tiếc bởi vì đâu?
"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu".


Hà Nội, 1940


"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng,
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu".
Xưa nay mỹ nhân cũng như danh tướng, không thể để cho người đời thấy khi mình đầu bạc. Có bản in hai câu này bằng tiếng Việt: "Mới hay tự cổ bao người đẹp, Chẳng hẹn trần gian đến bạc đầu"

Nguồn:
1. Hoàng Xuân, Nguyễn Bính - thơ và đời, NXB Văn học, 2003
2. Hoàng Hồng, Nguyễn Bính - thơ, NXB Văn học, 2010

No comments:

Post a Comment