24 August 2013

Nhà văn An Nam khổ như chó


Không phải mình nói, mà là một bậc tiền bối, nhà văn Nguyễn Vỹ ngày xưa đã nói như vậy. Mình nhớ câu này nằm lòng, vì ngày trước rất hay nghe ông cụ thân sinh nói, nói để mà than thở.



Sinh thời, cuộc đời ông cụ nhà mình cũng dính dáng nhiều đến cây bút. Làm báo như nghề nghiệp, về hưu rồi cụ viết văn viết báo để...kiếm sống. Cụ về hưu vào những năm tám mươi của thế kỷ trước, là những năm rất khó khăn về kinh tế. Đồng lương hưu không đủ sống, chẳng có nguồn dự trữ nào, như bao cán bộ công chức hưu trí khác, cụ cũng phải tìm cách mưu sinh. Lúc đầu, cụ thuê mặt bằng mở một cái quán bán sách bán báo ở Hà Nội. Suốt ngày phơi mặt ra đường, chỉ được cái có thể đọc sách báo cả ngày không hết, nhưng ế quá, cuối cùng rồi cụ cũng phải dẹp quán. Cụ quay sang viết sách, nghĩ rằng với vốn sống và kinh nghiệm làm báo cả đời của mình, may ra sẽ thành công. Viết mấy cuốn sách rồi cụ mới nghiệm ra, chỉ biết viết mà không biết "lách" thì cũng hỏng. Thế là cụ thay đổi đề tài viết về các vụ án kinh tế nóng bỏng, đổi tên sách thật hấp dẫn, kiểu như "Bí mật đường dây ma túy",  "Người đàn bà sau bức rèm xanh", "Người đàn bà lừng danh của vũ trường"... rồi cụ đem sách đi rao ở các nhà xuất bản. Thế là các nhà xuất bản nhận in. Tuy nhiên nhuận bút mà tác giả nhận được khi các nhà xuất bản nhận in thì vô cùng ...hẻo. Cụ viết hì hụi cả mấy tháng trời, có khi cả năm trời, cuốn sách khoảng 300-400 trang của cụ chỉ được in khoảng 1000 cuốn và được trả khoảng vài triệu đồng nhuận bút. Thế là cụ phải dùng mưu mẹo, đầu tiên gửi in truyện dài kỳ trên các báo để kiếm nhuận bút của báo, sau đó in lần đầu ở một nhà xuất bản, rồi đổi tên sách đã in  để in tiếp ở một nhà xuất bản khác. Cụ hay khoe sách của cụ được hai đến ba lần nhuận bút, và thế thì mới bõ công cụ ngồi cặm cụi viết ròng rã cả năm trời. Thời đó cụ chưa có máy vi tính, cụ toàn ngồi trên giường gò lưng mà viết trên giấy tiết kiệm một mặt. Rất may là chữ viết của cụ rất đẹp, rất chân phương, cụ viết đến đâu đạt đến đấy, hầu như không phải sửa sang, chỉnh lý gì.  Viết xong, cụ đóng thành tập, đem đi sao chụp vài bản rồi gửi đi cho các báo cùng vài nhà xuất bản một lúc. Các báo và các nhà xuất bản cũng ít phải biên tập lại sách của cụ, cứ thế in và phát hành. Cụ viết rất khỏe và viết rất chăm, chủ yếu với mục đích kiếm tiền. Chỉ sau khoảng 15 năm từ lúc về hưu, cụ đã có khoảng 30 đầu sách được in, tức là mỗi năm khoảng hai cuốn sách ra đời, lãnh từ  hai đến ba lần nhuận bút cho mỗi cuốn, cũng vừa đủ tiền tiêu vặt, trà thuốc, nhậu nhẹt với bạn văn mà không phải xin tiền con cái. Cụ nói, có mấy chục đầu sách mà chẳng phải hội viên Hội nhà văn, vì cụ không chạy chọt để vào hội làm gì khi mà đã... cập kề miệng lỗ. Tuy nhiên cụ quen biết nhiều trong giới văn nghệ sĩ, biết nhiều chuyện thâm cung bí sử mà thời đó chưa có internet ta chỉ có thể biết qua truyền miệng trong giới văn nghệ sĩ.
Cụ thường nói với con cái, "lập thân tối hạ thị văn chương", không nên lấy văn làm nghiệp như cụ, mà chỉ nên lấy nó làm thú vui. Đến bây giờ, con cái trong nhà mình không ai lấy văn làm nghiệp, có lẽ cũng do "biết mình sức yếu", âu cũng là may mắn. Tuy nhiên hình như được di truyền cái gen "văn nghệ" của cụ, mấy anh em trong nhà ai cũng mê văn chương. Mê say thì không sao, có lẽ cuộc đời sẽ phong phú hơn, lãng mạn hơn, sâu sắc hơn khi người ta có thêm một thú vui tao nhã là văn chương. Chứ còn lấy văn chương làm nghiệp thì đến bây giờ mình vẫn thấy câu than của nhà văn Nguyễn Vỹ khi xưa là chí lý.
Nhưng mà mình cũng băn khoăn, vì sao mà người xưa lại nói "lập thân tối hạ thị văn chương", khi mà văn chương cao quí, tao nhã, tuyệt vời như thế?
Đầu tiên có lẽ là vì lý do kinh tế. Viết văn làm thơ ở xứ An Nam ta khó có thể làm giàu. Dân ta vẫn có câu "nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà nghèo". Nếu không nhầm thì các nhà văn sống được bằng nghề viết văn ở xứ ta chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chẳng hạn, ông đã từng ra khỏi Hội nhà văn, bỏ cả công việc trong biên chế nhà nước để có thể tự do sáng tác. Vì có tài và thức thời, ông sống khỏe bằng nghề viết. Tuy nhiên ông cũng phải chuyển sang viết kịch bản phim để kiếm tiền chứ nếu chỉ chuyên viết tiểu thuyết như những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước thì cũng khó mà sống nổi với nhuận bút bèo bọt.
Ngoài lý do kinh tế thì mình nghĩ có lẽ còn có vài lý do khác nữa. Mình đã đọc một câu chuyện tiếu lâm "Nhà năm tầng không có nhà vệ sinh" của chế độ xã hội chủ nghĩa cao đẹp, trong đó dành riêng một tầng cho giới văn nghệ sĩ, vì lý do giới này chuyên môn ị vào mồm nhau, khỏi cần nhà vệ sinh.
Cách đây khoảng 5-6 năm, mình theo dõi một cuộc cãi vã vô cùng bẩn thỉu trên văn đàn được lưu danh lại như "Sự kiện hoa thủy tiên". Vụ này khai mào bằng một bài viết "Trò chuyện với hoa thủy tiên" của nhà văn nổi danh nhất thời đó là NHT, chê bai các nhà thơ và thơ ca Việt Nam dẫn chứng bằng mấy câu thơ tục tĩu của BHT. Sau đó thi sĩ TMH hùng hổ nhảy vào cuộc, kéo theo một loạt các thi sĩ khác. Đây là một ví dụ sinh động cho câu chuyện tiếu lâm nêu trên. Đại hội HNV vừa rồi cho thấy câu chuyện tiếu lâm trên vẫn có lý cho giới văn nghệ sĩ. Trước đó mình đã đọc mấy bài chửi bới nhau bằng ngôn ngữ chợ cá,  rồi thấy tình hình vận động hành lang, thấy nick nặc danh tuyên truyền cho bầu bán, thấy các nhà văn "đấu võ" trong hội trường, thấy mấy "kẻ sĩ" mà hám danh, hám lợi, tham quyền cố vị, quyết tâm phục vụ đến... hơi thở cuối cùng.
Thảo nào mà người xưa nói "lập thân tối hạ thị văn chương".

No comments:

Post a Comment