27 December 2013

Tính bầy đàn




Tính bầy đàn hay còn gọi là a dua, đua đòi, hùa theo đám đông. Đây cũng là căn bệnh trầm kha của người Việt, bên cạnh căn bệnh đố kỵ.

Từ thủa nhỏ, bạn đã bị tính bầy đàn bủa vây, chi phối. Đến trường là phải mặc đồng phục, mà đồng phục đâu có đẹp đẽ gì. Bạn phải vào Đội thiếu niên, rồi Đoàn thanh niên. Nếu bạn không được vào, mặc nhiên bạn là một kẻ chậm tiến cá biệt. Bạn sẽ phải thi đỗ vào đại học, nó gần như một tiêu chuẩn mặc nhiên cho sự thành đạt của bạn. Bạn lỡ trượt đại học ư? Bạn liều liệu mà lo ôn thi và thi đỗ vào năm tới, nếu không thì bạn có thể noi gương vài bạn quá khích, quá bi quan mà quyên sinh đi cho rảnh nợ. Nền giáo dục bầy đàn “rèn luyện” cho bạn tính bầy đàn dưới lớp bọc hào nhoáng của hòa đồng và đoàn kết. 


Càng ngày, tính bầy đàn càng kinh khủng. Bọn trẻ bây giờ sinh ra đã chịu áp lực với việc phải giống “con nhà người ta”. Chẳng cần nó có năng khiếu thể loại nghệ thuật gì, mở mắt ra là phải học đàn,  học vẽ, học ngoại ngữ, học bơi… cho bằng bạn bằng bè. Khi lớn lên, chẳng cần phải biết nó thích gì, cứ mọi người chọn gì, nó cũng sẽ phải chọn cái đó theo mọi người.
Lớn lên đi làm, bạn cũng luôn phải "hòa đồng với quần chúng". Đó là suốt ngày trà lá, tám chuyện trên giời dưới bể, kể xấu chồng con, hàng xóm, đồng nghiệp và sếp. Đó là se sua ăn diện giống nhau, ai có cái áo đẹp là mình cũng muốn có một cái. Đó là phấn đấu thi đua để cuối năm ai ai cũng có một danh hiệu thi đua hữu danh vô thực lấy le với đồng nghiệp cơ quan. 

Vào mạng, bạn có thể thấy tính bầy đàn rõ nét nhất. Nếu bạn là hot girl/hot boy trong làng facebook, chỉ cần bạn kêu "mệt quá" là có cả hàng ngàn like, hàng trăm comment chia sẻ động viên, giọng điệu giống hệt nhau. Nếu bạn là hot girl/hot boy và đưa hình ảnh mới lên là cả trăm ngàn comment khen đẹp, khen duyên,  cho dù tấm hình bạn không hẳn xinh đẹp, làm cho bạn phải nghi ngờ hay là họ khen đểu, cười mỉa bạn chăng?

Có ngày lướt facebook, bạn không thấy có gì khác ngoài mấy vụ lùm xùm như Cát Tường, hay gần đây là vụ hôi bia ở Đồng Nai. Ai ai cũng phải chia sẻ, đánh giá, bình luận cho ra vẻ thức thời. Ai ai cũng trở thành tấm gương đạo đức sáng ngời để lên tiếng răn dạy, chê bai, lên án, sỉ vả tội đồ.

Vụ hôi bia ở Đồng Nai cũng là một ví dụ điển hình cho tính bầy đàn. Chút tham vặt cộng với tính bầy đàn của dân ta đã tạo ra một scandal đáng xấu hổ trong mắt của người Việt, nhất là trong mắt bạn bè quốc tế. Nhưng hài hước là sau đó tính bầy đàn thể hiện đậm nét hơn trên mạng xã hội, khi mà ai ai cũng lên tiếng bình luận, lên án những kẻ hôi bia, rồi đến tài xế xe bia, rồi đến hãng bia cũng rơi vào tầm ném đá của cư dân mạng.

Hài hước nhất khi coi người ta đang hùa nhau ném đá một tội đồ nào đó. Khả năng là người ta cũng chẳng tức giận gì nhiều, thấy mọi người ném đá thì hùa vào ném hôi cho vui thôi. Còn nếu bạn muốn nói ngược lại điều đám đông đang nói, thì bạn sẽ sớm có đủ gạch đá để xây nhà. 


Gánh nặng bầy đàn phổ biến và ăn sâu vào tiềm thức người Việt tới mức chẳng ai thấy nó bất thường mà đổi thay. Người ta xem đó là cuộc sống bình thường, đó mới là điều đáng lo ngại nhất.
 
Nguyên nhân của tính bầy đàn thì nhiều. Nguyên nhân chính là mặc cảm tự ti nhược tiểu, luôn lo lắng tỏ ra lạc lõng, lập dị trong xã hội. Nguyên nhân tiếp theo nữa là sự nông cạn thiếu hiểu biết, không có tư duy độc lập. Âu cũng là sản phẩm không thể tránh khỏi của nền giáo dục ... bầy đàn.
 
Tôi không phủ nhận đôi lúc mình cũng có tính bầy đàn, chắc chắn thừa hưởng từ nền giáo dục ... bầy đàn, không nhiều nhưng không thể nói là hoàn toàn không có. Còn bạn, bạn có khi nào bầy đàn, a dua hùa theo đám đông không?






No comments:

Post a Comment