05 March 2019

Ký ức tuổi thơ

Thời thơ ấu, thế hệ chúng tôi phải nếm trải nhiều đau thương gian khổ của chiến tranh, như hầu hết dân mình trong thời kỳ đó. 

Ba bố con, trước khi đi sơ tán về Nho Quan (1964)


Năm tôi 5 tuổi, cả nhà tôi rời thị xã Ninh Bình để sơ tán về một làng quê tận chận núi, tại thị trấn Nho quan, gần rừng Cúc Phương, cách thị xã Ninh bình khoảng 50km. Tôi không nhớ ngôi nhà tập thể ở thị xã Ninh Bình, nơi mà tôi đã sinh ra, chắc cũng vì tôi còn quá nhỏ. Sau này nghe mẹ kể lại rằng cả khu tập thể đó sau chiến tranh chỉ còn là một dãy hố bom. Thị xã nhỏ bé ấy như một túi bom trong chiến tranh, vì nó nằm trên quốc lộ số 1, tuyến đường huyết mạch vận chuyển nhân lực, lương thực, thực phẩm, vũ khí .... từ bắc vào nam. 
Ở nơi sơ tán, bố mẹ tôi mua 4 sào đất vuông vắn với một ngôi nhà lá khá xinh xắn ở chính giữa. Khu vườn có sẵn khá nhiều cây ăn quả, và còn được mẹ trồng thêm, nên xung quanh nhà là một vườn cây xum xuê xanh mướt. Có mấy cây trứng gà, mấy cây nhãn, mấy cây muỗm (xoài), mấy cây ổi, mấy cây na...Đó là một ngôi nhà vườn đẹp và bình yên trong ký ức tuổi thơ tôi. 
Tuy nhiên, tại nơi sơ tán mà nhà tôi vẫn phải thuê đào 2 cái hầm chữ A. Hầm đào sâu xuống đất, rồi dựng mái chữ A phía trên. Một hầm ở ngay cạnh nhà, có cả đường hào thông vào nhà, sử dụng cho trường hợp mọi người đang ở trong nhà. Một hầm ở gần ngõ vào nhà, sử dụng cho trường hợp mọi người đang ở bên ngoài nhà. Khi có báo động máy bay là mọi người đều phải chui xuống hầm tránh bom. Có những đêm đang ngủ say sưa, bị mẹ kéo dậy lôi cổ xuống hầm, bước thấp bước cao, ngã lên ngã xuống. Vào mùa khô mẹ còn trải ổ rơm, đem chăn chiếu vào cho cả nhà ngủ luôn trong hầm. Xuống hầm tôi sợ nhất là gặp rắn, còn cóc nhái là chuyện nhỏ. Sau tiếng loa báo động "Đồng bào chú ý, máy bay địch cách 20km, cách 10km..." là tiếng máy bay xẹt qua đầu, rồi tiếng bom rền rung chuyển mặt đất chen lẫn tiếng pháo phòng không của ta bắn trả... 
Hồi đó bà ngoại sống cùng mẹ con tôi. Bố tôi thì làm việc ở Hà Nội, hàng tháng cọc cạch đạp xe từ Hà Nội về nơi sơ tán thăm nhà. Khi chuyển về Nho Quan, tôi mới khoảng 5 tuổi, lúc chuyển đi thì tôi khoảng 12 tuổi. Nhà tôi ở nơi này khoảng 7 năm. Nhà tôi có nuôi 1 con chó tên Tô, con chó khôn ngoan mà tôi đã có lần viết về nó. Chúng tôi đi học luôn phải đội mũ rơm, khá nặng, kết bằng rơm, có vành rộng để tránh mảnh bom. Tôi đi học ở tận chân núi, luôn có con Tô đồng hành đi theo đến lớp. Thời đó lớp đầu tiên khi đến trường là lớp Vỡ lòng, rồi mới vào cấp 1 có 4 lớp từ lớp 1 đến lớp 4. Tôi đã học từ Vỡ lòng cho đến hết lớp 5 ở Nho quan. Về xứ rừng núi nên tôi luôn đứng đầu lớp, được cô giáo rất yêu quý. Tôi luôn được cô chọn đi thi học sinh giỏi, đôi lúc cả 2 môn văn và toán. Được là học sinh giỏi văn cấp tỉnh là cũng oách xà lách. Anh trai tôi còn là học sinh giỏi cấp toàn miền bắc và còn được mua giá ưu đãi một cái xe đạp mini của Đức.

 
Ba anh em, năm cuối ở Nho quan

Sau khoảng 7 năm thì mẹ bị điều động công tác về thị xã Phủ lý, thuộc Hà Nam bây giờ. Thế là mẹ bán ngôi nhà ở Nho quan đi. Rồi sắp xếp đồ đạc di chuyển đi Hà Nam. Thị xã Phủ Lý cũng nằm trên quốc lộ 1, là một túi bom xem ra còn lớn hơn thị xã Ninh Bình. Vì vậy chỉ có mẹ làm việc ở Phủ Lý, còn mấy đứa nhóc được gửi về Lý Nhân, cách Phủ lý khoảng 50km. 
Mẹ chở em gái tôi, còn bố chở tôi bằng xe đạp cùng với đủ thứ đồ đạc lỉnh kỉnh buộc trước, buộc sau xe, trong hành trình rong ruổi từ Nho Quan về Lý Nhân gần 100km. Cứ đi một đoạn lại nghỉ, nếu có hàng quán thì ghé vào uống chén nước chè xanh, ăn kẹo lạc (xa xỉ chỉ dành cho trẻ con). Có tiếng máy bay lại trốn vào bóng cây ven đường. Mất cả ngày mới đến nơi. 
Anh trai đã vào đại học Bách Khoa Hà Nội. Chỉ còn hai chị em tôi ở nhờ nhà một bác nông dân ở Lý Nhân. Ngôi nhà của bác khá đẹp và rộng, nhà 3 gian 2 chái, có vườn cây, ao cá, có một bể nước to hứng nước mưa từ mấy cây cau. Bác có một cô con gái bằng tuổi tôi, trùng tên Vân luôn, tính rất vui. Thế là tôi có bạn cùng đi học. Ở cùng hai chị em tôi còn có hai cô cùng làm cơ quan mẹ tôi. Hai cô đều dễ thương và hay quan tâm chăm sóc bọn tôi. Mẹ tôi cuối tuần lại lọc cọc đạp xe từ Phủ lý về, đem theo gạo, thức ăn, bánh kẹo... Cứ đến chiều cuối tuần, hai chị em tôi lại dắt nhau ra cổng làng ngóng mẹ về. Thỉnh thoảng mẹ bận không về được là buồn tiu nghỉu. 

Bạn bè ngày học cấp 2 ở Lý Nhân

Em gái tôi khá là nghịch ngợm và bướng bỉnh, lười học ham chơi. Nhiều lúc nó cãi lại và không nghe lời tôi, mặc dù mẹ giao trách nhiệm “làm chị” cho tôi lúc đó chỉ 12 tuổi. Chủ nhật về là mẹ túm nó ra tắm gội sau cả tuần tích tụ cóc cáy. Đầu tóc nó hoe vàng, da thì đen cháy vì dang nắng suốt ngày. Đầu tóc nó nhiều chấy khủng khiếp vì lười gội đầu. Tôi ngủ cùng nó dĩ nhiên cũng bị lây chấy. Cả hai chị em chấy nhiều như sung rụng. Thường thường mẹ lấy hạt na giã nhỏ rồi xức lên đầu, ủ một lúc rồi gội, chấy chết sạch. Duy có một lần mẹ lấy thuốc trừ sâu DDT gội đầu giết chấy cho hai chị em, cũng may mà người không bị ....chết theo chấy. 
Thời kỳ này gia đình tôi ly tán nhiều nhất, 5 người 4 nơi. Bố ở Hà Nội, mẹ ở Phủ Lý, anh học Bách khoa Hà Nội nhưng đi sơ tán theo trường ở Bắc Giang, và 2 chị em tôi ở Lý Nhân. Nhiều lúc tôi cứ phấp phỏng lo lắng không hiểu rồi mình có còn được gặp lại bố mẹ nữa hay không, vì Hà Nội và Phủ Lý đều là những điểm ném bom ác liệt nhất của Mỹ. 
Hai chị em tôi ở Lý Nhân khoảng 2 năm, cho đến khi tôi học hết cấp 2. Năm 1973, sau khi ký Hiệp định Pari, cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc có phần lắng dịu lại. Mẹ đem cả 2 chị em về Phủ lý ở cùng mẹ . Lúc này mẹ đã sinh thêm một em bé là cô út. Mẹ còn đón cả bà ngoại ở quê ra ở cùng để chăm sóc em bé. Đến 1975 thì kết thúc chiến tranh. Khỏi phải nói tôi vui mừng thế nào khi chiến tranh kết thúc và chúng tôi được về ở cùng mẹ.
Thời đó còn bao cấp với sổ gạo và tem phiếu mua thịt cá. Ngành lương thực nhà nước đóng vai trò rất quan trọng. Ai sống qua thời đó cũng phải nhớ câu ngạn ngữ “mặt nghệt như mất sổ gạo”, mới thấy sổ gạo quan trọng thế nào trong đời sống công nhân viên chức. Bữa ăn chỉ có cơm là chính, mỗi bữa ăn 3-4 bát mới đủ no, chỉ với canh rau, muối vừng, đậu phụ..., rất ít khi có thịt, vì phiếu thịt cung cấp chỉ là 3 lạng/tháng/người. Có một thời gian dài nhà nước còn không đủ gạo bán theo sổ, nên đành bán kèm thay thế gạo là khoai sắn, bo bo, bột mì....Tuy nhiên, vì mẹ làm trong ngành lượng thực “quan trọng”, nhà tôi không bị đói, và cũng ít khi phải ăn độn khoai sắn, bo bo... Tôi nhớ lắm những lần đi xếp hàng mua thịt. Phải đi rất sớm xếp hàng. Dân ta còn xếp hàng bằng dép, bằng gạch đá...Chờ đợi hết hơi mới đến lượt, cô mậu dịch viên cắt cho mấy lạng thịt ném cái xoạch lên bàn. Nếu thấy miếng thịt nạc ngon lành là sung sướng lắm, nhưng nhiều khi nhận được miếng thịt dọi bèo nhèo cũng đành chịu vậy. 
Nhà tôi ở căn hộ tập thể ngay cạnh cơ quan mẹ. Ngay bên cạnh là một kho gạo lớn. Vì ở ngay cạnh kho gạo nên cứ sẩm tối là hàng đàn mọt gạo bay mù trời, đôi lúc còn chui cả vào màn chống muỗi, bám đen thui các góc màn. Nghỉ hè, tôi rủ mấy bạn gái cùng học đi làm thêm ở kho gạo với công việc là sàng sảy gạo cho hết thóc, trấu và mọt. Mỗi ngày công chỉ có mấy hào, nhưng vui vì có chút tiền lẻ để dành. 
Ngay cạnh nhà là sông Đáy. Sông khá lớn, nước chảy cuồn cuộn vào mùa mưa. Tôi phải ra sông gánh nước về đổ vào bể, đánh phèn cho trong để dùng làm nước ăn và nước sinh hoạt. Mỗi ngày dăm gánh nước nặng trĩu, lại đói ăn, thảo nào mà suy dinh dưỡng, không thể phát triển chiều cao. Con sông còn là nơi tắm gội, giặt giũ quần áo của mọi nhà. Có lần khi đi tắm vào mùa lũ, tôi bị nước cuốn trôi. May mà có một chú bộ đội nhảy xuống vớt lên, sau khi tôi đã uống no một bụng nước sông đục ngầu. 
Tôi học hết 3 năm cấp 3 ở thị xã Phủ lý, dưới mái trường Biên Hòa. Trường Biên Hòa thuộc loại trường điểm, chất lượng tốt nhất trong tỉnh Hà Nam. Thời đó đi học rất đơn giản, không có dạy thêm học thêm, học phí cũng không có. Các thầy cô giáo rất giản dị, yêu quý học trò. Chúng tôi chăm chỉ làm hết bài tập trong mấy cuốn sách của chương trình chính thức, không học thêm gì mà thi cử vẫn điểm cao. Năm tôi thi đại học đề thi tương đối khó. Thi khối A vào Bách Khoa Hà nội, tôi được 24.5 điểm, thủ khoa của trường Biên Hòa, và được chọn đi học nước ngoài thay vì vào Bách Khoa. Mẹ tôi ngạc nhiên lắm, không ngờ con gái bướng bỉnh lại đạt kết quả thi tốt vậy. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt rạng rỡ của mẹ khi cầm giấy báo điểm của tôi chạy qua phòng đưa cho tôi. Đến trường gặp thầy chủ nhiệm, thầy nói: “Chúc mừng em, thế là Thanh Xuân rồi”. Lúc đó không hiểu sao thầy nói Thanh Xuân, sau mới biết là nếu đủ điểm đi học nước ngoài thì sẽ tập trung học tiếng 1 năm ở trường Đại học Ngoại ngữ Thanh Xuân. 
Và thế là tôi tạm biệt gia đình lên Hà Nội học 1 năm tiếng Tiệp rồi sau đó qua Praha học 5 năm tại trường Đại học Hóa Công nghệ. 

Cả nhà trước khi tôi đi học đại học

No comments:

Post a Comment