Trước hết, chúng ta nên bắt đầu bằng cách đặt tâm điểm của sự chú ý vào người nhận, chứ không phải vào người làm từ thiện, những ngôi sao hay người mẫu. Chúng ta nên bắt đầu bằng sự tôn trọng những người nhận sự giúp đỡ của chúng ta, nhìn họ là những con người độc lập, có lịch sử, có số phận, có câu chuyện riêng. Sự giúp đỡ ở mức cao nhất, Maimonides, triết gia Do Thái ở thế kỷ 12 đã viết, là sự giúp đỡ mà qua đó người nhận vẫn giữ được lòng tự trọng và nhân phẩm của mình.
Chúng ta cũng cần suy nghĩ xem hành động của mình, dụng ý thì tốt, nhưng có thể gây tác hại gì không. Cái làng ở Mộc Châu kia, nếu như tuần nào, thậm chí ngày nào, cũng có một vài nhóm du khách vào đưa cho họ chăn và mì ăn liền, thì chẳng mấy chốc toàn bộ cấu trúc xã hội của làng sẽ sụp đổ, và tôi sẽ không lạ khi dân làng bắt đầu bán đồ được cho để mua rượu uống.
Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận.
Trong một bài báo năm 2012, Al Jazeera dẫn ra những tác hại của du lịch thăm trẻ mồ côi, một lĩnh vực đang được người phương Tây rất ưa chuộng, qua trường hợp ở Campuchia. Trẻ mồ côi bị ảnh hưởng tâm lý vì mỗi tuần chúng lại phải cắt đứt quan hệ tình cảm với một nhóm tình nguyện viên mà chúng vừa quen, và xây dựng quan hệ với một nhóm mới.
Trong nhiều trường hợp, những người quản lý trại lợi dụng lũ trẻ để trục lợi mà khách viếng thăm, do cưỡi ngựa xem hoa, không thể biết được. Câu chuyện này hẳn không xa lạ với người Việt. Ở Bali, làn sóng khách du lịch tới cho tiền các trại mồ côi đã khuyến khích các gia đình đẩy con mình vào trại, biến một gia đình lành lặn thành một gia đình què quặt.
Chúng ta cũng nên bắt đầu bằng những câu hỏi đúng. Thay vì hỏi "Cháu đã có kẹo chưa?" du khách Sapa ở bên trên nên hỏi: "Tại sao cháu lại đứng ở đây mà không tới trường?". Nên quan tâm một cách tổng thể tới hoàn cảnh của người cần giúp đỡ, bối cảnh địa phương của họ và các yếu tố tác động đằng sau. Vì sao họ nghèo? Vì họ không có đường ra chợ, vì họ bị trung gian thu mua nông sản bắt chẹt, vì lũ cuốn đất màu do rừng bị tàn phá, vì họ thiếu vốn lẫn thiếu kỹ năng quản lý vốn?
Tiếp theo, chúng ta có thể nghĩ xem nên hướng nguồn lực của mình vào đâu để đem lại lợi ích lớn nhất cho những người hoặc cộng đồng cần trợ giúp. Đôi khi, cái mà một bản nghèo cần cho cuộc sống và nhân phẩm của mình không phải là lại thêm hàng chục thùng mỳ ăn liền hay những cái chăn nữa, mà là một cái cầu treo, hay cơ hội để bán hàng của mình ở thị trấn. Tất nhiên, để tìm ra được những điều này cần tâm trí và sự quan tâm thực sự và lâu bền, không chỉ một cảm xúc mùi mẫn kéo dài 20 phút khi người ta chụp selfie trước những ngôi nhà dột nát.
Hoạt động từ thiện có thể chữa phần ngọn: quyên tiền cho một ca mổ tim, đem lại ánh sáng cho người khiếm thị, bảo trợ cho một sinh viên nghèo học đại học. Những hoạt động này thực sự thay đổi cuộc đời, thậm chí cứu mạng sống.
Quan trọng hơn, các hoạt động nhân đạo và từ thiện rất cần tập trung thay đổi phần gốc, đó là các tương quan xã hội tạo ra đói nghèo, bóc lột và bất công. Hội chứng “Người cứu tinh da trắng” có vấn đề bởi nó không liên quan gì tới công lý, nó chỉ là một trải nghiệm tình cảm để người ta tái khẳng định sự may mắn và đặc lợi của mình.
Trong trường hợp này, từ thiện trở thành một cử chỉ phô ra sự thương hại và sức mạnh của người giàu, bởi họ không quan tâm tới hoàn cảnh xã hội, và qua đó từ chối thay đổi nó để giải quyết bất công. “Sự hào phóng của người làm từ thiện sẽ đóng băng nếu như quyền lực của anh ta bị thách thức,” nhà thần học người Mỹ Reinhold Niebuhr viết,“hoặc nếu sự hào phóng này không được tiếp nhận với sự nhẫn nhục mà anh ta đòi hỏi.”
Trong một xã hội hiện đại với các tương quan phức tạp như hiện nay, trách nhiệm của một công dân có ý thức không chỉ là “lá lành đùm lá rách", mà còn phải là cố gắng hiểu những tương quan đó, tự vấn về trách nhiệm cá nhân mình trong các lựa chọn làm ăn, kinh doanh, mua sắm, tiêu thụ, và đặt câu hỏi mình có thể đóng góp được gì để thay đổi vấn đề, hoặc ít nhất không làm nó trầm trọng hơn.
Trong hoạt động nhân đạo và từ thiện, tiền chỉ là một trong các nguồn tài nguyên, thậm chí không phải là nguồn quan trọng nhất. Quan trọng hơn là kiến thức, tài năng, và sức ảnh hưởng của các cá nhân muốn giúp đỡ đồng bào của mình.
Báo chí, thay vì tập trung vào chuyện người nổi tiếng mặc gì khi phát quà, hãy để họ lên tiếng và lôi kéo sự chú ý của công chúng tới những vấn đề thuộc về phần gốc: nông dân bị mất kế sinh nhai, công nhân ở những khu công nghiệp vật lộn với cuộc sống, môi trường bị huỷ hoại, phân hoá giầu nghèo, bạo lực trong gia đình.
Thay vì chỉ đóng tiền cứu trợ khi có bão lũ, hay nhân tiện mang quần áo cũ lên vùng cao nhân dịp đi chụp ảnh hoa ban, hãy tìm hiểu công việc của những tổ chức phi chính phủ và hỗ trợ họ. Những tổ chức này đang bền bỉ hoạt động để bảo vệ quyền của trẻ em, để phụ nữ không bị buôn bán, người thiểu số giữ được văn hoá bản địa, người khuyết tật không bị kỳ thị, chính quyền địa phương trở nên minh bạch hơn, và người dân có tiếng nói hơn.
Làm việc với họ tuy không cho ra những bức ảnh bắt mắt như khi ta chụp với trẻ em miền núi, nhưng nó sẽ đi xa hơn rất nhiều những phản xạ rút ví vào những lúc chúng ta "rủ lòng thương.”
Cuối cùng, chúng ta nên từ bỏ tâm thế của người ban phát. Từ thiện là một quá trình hai chiều, cho và nhận. Mỗi người, dù nghèo tới đâu, cũng có cái để cho người khác, và mỗi người, dù đầy đủ tới đâu, cũng cần mở rộng mình để nhận.
Nếu từ thiện chỉ là phong trào, để lấy like, để xoa dịu lương tâm, để cầu may, để đánh bóng tên tuổi, để thể hiện vị thế xã hội, thì người cho đã tự khước từ khả năng nhận. Lúc đó, từ thiện đánh mất chức năng là chất gắn kết của một cộng đồng. Ngược lại, nó chỉ củng cố các bất công trong xã hội.
CECODES - Trung tâm Hỗ trợ Cộng đồng và Nghiên cứu Phát triển
No comments:
Post a Comment